*
Giới thiệuNghiên cứu lý luậnĐào tạo - Bồi dưỡngThực tiễnNhân vật - Sự kiệnDiễn đànQuốc tếTin tức Từ điển mở


Trang chủNghiên cứu lý luậnTư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi

(LLCT) -Bài viết làm sáng tỏ lý do vì sao Đảng ta có thể khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi. Tư tưởng Hồ Chí Minh hiện đại, phổ quát, đặc thù Việt Nam, mang dấu ấn, diện mạo, sắc thái riêng và luôn hướng tới tương lai. Trên cơ sở đó nhằm củng cố niềm tin khoa học và cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào tư tưởng Hồ Chí Minh - tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta.

Bạn đang xem: Vẫn mãi mãi còn soi sáng cuộc đấu tranh


Từ khóa: tư tưởng Hồ Chí Minh, hiện đại, phổ quát, Việt Nam.

Cùng với sự phát triển của đất nước và sự trường tồn của dân tộc, một câu hỏi lớn đặt ra cần phải có lời giải đáp có chất lượng khoa học, đó là vì sao Đảng ta có thể khẳng định “tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”(1)? Vì sao Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh “Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi”(2).

1. Tính hiện đại của tư tưởng Hồ Chí Minh

Tính hiện đại bàn tới ở đây chủ yếu là nói đến tầng giá trị lý luận - tư tưởng Mác - Lênin. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. V.I.Lênin đã chỉ ra rằng: không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng. Chỉ có một đảng có lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có thể làm tròn được vai trò chiến sĩ tiền phong.

Lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử. Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin là “khoa học về các quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội; khoa học về cách mạng của quần chúng bị áp bức và bị bóc lột; khoa học về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở tất cả các nước; khoa học về xây dựng chủ nghĩa cộng sản”(3).

Từ thập kỷ 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh khẳng định thế giới có nhiều học thuyết, nhiều chủ nghĩa, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin. Nhiều lần Người nói đến “lý luận chân chính”, tức là lý luận được đúc kết từ thực tế, từ kinh nghiệm, trong đấu tranh và xây dựng. Lý luận đó trở lại chứng minh qua thực tế, được thực tế kiểm nghiệm đúng. Đó là lý luận thiết thực, có ích, là cái cẩm nang thần kỳ, là kim chỉ nam, chỉ phương hướng cho ta trong công việc thực tế.

Luận giải khái niệm “tư tưởng” trong mệnh đề “tư tưởng Hồ Chí Minh”, Võ Nguyên Giáp cho rằng hai từ “tư tưởng” nói tới ở đây không dùng với nghĩa tinh thần, ý thức tư tưởng của một cá nhân, mà với ý nghĩa là “học thuyết”. Ông giải thích “đó là hệ thống những quan điểm, quan niệm, luận điểm được xây dựng trên một tảng triết học thế giới quan và phương pháp luận nhất quán, đại biểu cho ý chí, nguyện vọng của một giai cấp, một dân tộc, được hình thành trên cơ sở hiện thực, thực tiễn nhất định và trở lại chỉ đạo hoạt động thực tiễn, cải tạo hiện thực”(4).

Nói về thái độ của mình đối với chủ nghĩa Mác, Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng “chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng”. Thế giới quan và phép biện chứng duy vật - hạt nhân, căn cốt trong di sản Mác - Lênin cùng những nguyên lý, quan điểm có tính nguyên tắc, tinh thần xử trí mọi việc của C.Mác, V.I.Lênin được Hồ Chí Minh khai thác và vận dụng sáng tạo vào thực tế Việt Nam. Người thường nói chúng ta giành được nhiều thắng lợi to lớn là do nhiều nhân tố, nhưng “trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lênin”(5). Bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin làm nên sự trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh.

2. Tính phổ quát của tư tưởng Hồ Chí Minh

Tính phổ quát nói ở đây là việc Hồ Chí Minh rất chú ý tới mục tiêu chung và khát vọng của nhân loại. Khi ra nghị quyết Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi nhấn mạnh ý nghĩa của việc kỷ niệm những vĩ nhân và những sự kiện đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại, tổ chức UNESCO khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội... Tư tưởng của Người là hiện thân cho những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc mình và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”(6).

Hồ Chí Minh là người khởi xướng những cuộc đấu tranh cho tự do trong thế giới thuộc địa. Đi ra thế giới năm 1911, Hồ Chí Minh xác định trước hết là để giúp đồng bào, cứu nước cứu dân. Nhưng suốt trong thời gian hoạt động ở nước ngoài, tâm trí của Người luôn luôn nghĩ đến các dân tộc bị áp bức. Người tận dụng mọi cơ hội trên các diễn đàn quốc tế để nói rõ quan điểm của mình về vấn đề thuộc địa, bênh vực các dân tộc thuộc địa và phê phán các quan điểm sai trái về thuộc địa. Trên diễn đàn Đại hội V Quốc tế Cộng sản năm 1924, Người nói rõ rằng cách mạng, ngoài vấn đề tương lai của các thuộc địa còn có cả nguy cơ của các thuộc địa. Người xác định rõ trách nhiệm với cả sự mạnh bạo của mình trong việc “sẽ thức tỉnh các đồng chí về vấn đề thuộc địa”(7).

Từ năm 1919, khi còn là một thanh niên yêu nước, với việc gửi tới Hội nghị Vécxây bản yêu sách của nhân dân An Nam, Hồ Chí Minh đã thể hiện khát vọng nhân quyền và quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc. Yêu sách của nhân dân An Nam nhưng Hồ Chí Minh nói đến vấn đề toàn cầu trong cuộc “đấu tranh của Văn minh chống Dã man”(8).

Tầm nhìn và cách nhìn của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng của mình là hướng tới những điều hiển nhiên, những lẽ phải không ai chối cãi được. Đó là quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người, mỗi dân tộc. Trong tư tưởng của Người không chỉ có ánh sáng của cách mạng xã hội chủ nghĩa năm 1917 mà có cả tư tưởng của cách mạng Mỹ 1776, cách mạng Pháp 1789. Người ngưỡng mộ Abraham Lincoln, Găngđi. Một chính khách Ấn Độ viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là lãnh tụ của các bạn mà còn là người khởi xướng những cuộc đấu tranh cho tự do trong thế giới thuộc địa. Người đã kết hợp những lý tưởng cao đẹp giải phóng nhân dân lao động với quan điểm đạo đức và đạo lý. Người là một Găngđi mácxít”(9).

Nhà nghiên cứu Mỹ Đâyvít Hanbớcxtơn nhận định: “Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại này - hơi giống Găngđi, hơi giống Lênin, hoàn toàn Việt Nam”(10).

Thế giới nói về Găngđi và V.I.Lênin trong Hồ Chí Minh là nói đến ý chí độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; là nói đến chủ nghĩa cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc quyện với nhau trong cuộc đấu tranh chung không thể nào tách rời nhau được. Hồ Chí Minh là người chiến đấu cho sự nghiệp chung đó. Đó cũng là điều mà Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới Rômét Chanđra nói tới: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống lại đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”(11).

Tính phổ quát của tư tưởng Hồ Chí Minh - nhìn dưới giác độ văn hóa - cần phải nhận thức rằng Hồ Chí Minh là con người của đối thoại, của hòa bình, hòa giải, góp phần thúc đẩy sự xích lại gần nhau của các nền văn hóa. Lúc sinh thời, ước vọng và hành động của Hồ Chí Minh là tôn trọng lẫn nhau giữa các nền văn hóa, xóa bỏ những rào cản giữa các nền văn hóa khác nhau. Một trong những mục đích của UNESCO về văn hóa là xóa bỏ tất cả những hiểu lầm, thường xuất phát từ những định kiến và thói bất chấp mọi thứ dẫn đến xung đột, bạo lực, bất ổn trên thế giới. Quan niệm của Hồ Chí Minh là có cái gì tốt của văn hóa Đông phương hay Tây phương ta phải học lấy để làm giàu cho nền văn hóa Việt Nam. Vì vậy, khi bàn về Khổng Tử, Giêxu, Mác, Tôn Dật Tiên - tuy chỉ ra mỗi con người có những ưu điểm riêng - nhưng Hồ Chí Minh phát hiện ra cả bốn vị đó “chẳng phải đã có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn “mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội”. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết”(12).

Ông Hans D’Orville, Phó Tổng Giám đốc UNESCO có một nhận xét hết sức tinh tế khẳng định cống hiến của Hồ Chí Minh trong việc thúc đẩy các nền văn hóa xích lại gần nhau: “Các chuyến bôn ba nước ngoài mà Người đã trải qua, những trào lưu tư tưởng mà ông đã tiếp nhận và đặc biệt là khả năng giao hòa những sự đa dạng mà Người đã tiếp thu khiến Hồ Chí Minh trở thành một người thầy về cuộc sống tiếp thu trong một thế giới có xu hướng toàn cầu hóa hiện nay”(13).

Với nhận thức không bác bỏ một nước, mặc dù đó là một nước thực dân đô hộ, mà bác bỏ mối quan hệ bất bình đẳng và bất công, Hồ Chí Minh tâm sự với nhà báo Pháp J.Lacouture (Giăng Lacutuyrơ): “Một dân tộc như dân tộc của anh đã cho thế giới một nền văn hóa ca ngợi tự do thì dù sao đi nữa bao giờ cũng tìm thấy ở chúng tôi những người bạn. Anh có biết là không năm nào tôi không say mê đọc lại Víchto Huygô, Misơlê. Các quan điểm trong các văn phẩm đó hoàn toàn rõ rệt, đó là quan điểm giống một cách lạ lùng quan điểm của dân nghèo chúng tôi”(14).

Ở một tiếp cận khác như là sự cô đọng nhất của văn hóa và khát vọng hòa bình, đó là câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” được nhân loại coi có giá trị toàn cầu. Ngài Phiêng Xixulát, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào nói: “Người khẳng định “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Một câu nói giản dị, ngắn gọn đã trở thành một câu danh ngôn mang những âm vang cộng hưởng không chỉ bó hẹp trong đất nước, con người Việt Nam mà còn là lý tưởng đấu tranh của nhân dân các nước bị áp bức bóc lột và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới”(15).

3. Tính đặc thù Việt Nam và sắc thái, diện mạo Hồ Chí Minh

Không có chủ nghĩa Mác - Lênin thì không có tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng nếu chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin thì đó cũng chưa phải là tư tưởng Hồ Chí Minh. Cần phải khẳng định rằng Hồ Chí Minh là lãnh tụ tỏ rõ cái gốc rễ, sức sống sâu xa của đất nước mình. Hai điều kiện tạo nên diện mạo Hồ Chí Minh là truyền thống và hiện đại. Có thể thấy cuộc đời chính trị của Hồ Chí Minh, tự đào tạo và trưởng thành ở châu Âu, nhưng Người vẫn hết sức Việt Nam. Tiếp thu cái mới mà không mất gốc. Phạm Văn Đồng coi Hồ Chủ tịch là hình ảnh, tinh hoa, khí phách của dân tộc, là “người Việt Nam hơn người Việt Nam nào hết. Ngót ba mươi năm bôn tẩu bốn phương trời, Người vẫn giữ thuần túy phong độ, ngôn ngữ, tính tình của một người Việt Nam”(16).

Không phải ngẫu nhiên Hồ Chí Minh căn dặn chúng ta rằng “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Lịch sử, văn hóa Việt Nam với truyền thống nhiều nghìn năm dựng nước và giữ nước có những đặc điểm riêng mà bao trùm và xuyên suốt là “dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”. “Tư tưởng Hồ Chí Minh được ấp ủ lâu dài trong cái nôi của chủ nghĩa yêu nước, tắm mình trong hồn dân tộc”(17). Từ mảnh đất phì nhiêu, cái nền kiên cố, một gia tài đồ sộ, giàu có với những “đồng bào”, ý thức cộng đồng, tình cảm gia tộc, con Lạc cháu Hồng, tình làng nghĩa xóm, người trong một nước phải thương nhau cùng..., tư tưởng Hồ Chí Minh đạt tới đỉnh cao của khát vọng dân tộc với tinh thần “Dân tộc trên hết! Tổ quốc trên hết! Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”.

Tính hiện đại, phổ quát và đặc thù Việt Nam lại được thể hiện qua dấu ấn, diện mạo, sắc thái Hồ Chí Minh làm cho tư tưởng của Người mang sức mạnh trường tồn. Đến với tư tưởng Hồ Chí Minh, có nhà nghiên cứu cho rằng “tư tưởng Hồ Chí Minh có một bảo chứng: cuộc đời của Người mang giá trị thuyết phục hùng hồn. Người sống như những điều Người nói”(18). Dấu ấn Hồ Chí Minh nói tới ở đây là bàn tới phẩm chất cá nhân của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng. Bao trùm và xuyên suốt chất con người Hồ Chí Minh là vì độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc của quốc dân. Hồ Chí Minh là một lãnh tụ cống hiến cho dân tộc và nhân loại là cực đại, với cá nhân mình không có một cái gì. Với Người việc riêng và việc chung hòa làm một, đó là suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Vĩnh biệt chúng ta, Người không có điều gì phải hối hận, nhưng có điều tiếc lớn, đó là không được phục vụ Tổ quốc và nhân dân nhiều hơn nữa, lâu hơn nữa. Hồ Chí Minh là con người sinh ra từ nhân dân, sống giữa lòng dân và cuối cùng lại muốn về với nhân dân, làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc, câu cá trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi. Hồ Chí Minh là người truyền cảm hứng niềm tin cho cả dân tộc “rũ bùn đứng dậy chói lòa”.

Hồ Chí Minh là con người nhất quán trong mục tiêu, vạn biến trong cách làm, năng động, linh hoạt, tự chủ, sáng tạo, kiên cường, quyết tâm trong hành động, bản lĩnh trước mọi tình huống, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thiết thực, hiệu quả, nói đi đôi với làm. Khẳng định Hồ Chí Minh là người năng động, linh hoạt trong ứng biến, minh triết và thanh thản trong tâm hồn và phong độ, Phạm Văn Đồng viết: “Phong độ ung dung của Hồ Chí Minh là phong độ của người nhận thức được quy luật của lịch sử, tin ở nhân dân và có nhân dân, con người biết mình muốn gì và đi đến đâu, biết tránh thác ghềnh, biết thắng quân địch, con người tĩnh như núi, động như biển, nắm vững nghệ thuật của điều có thể và không ngừng mở rộng giới hạn của điều có thể”(19).

Võ Nguyên Giáp cho rằng Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến con người cả đời sống vật chất và tinh thần, bằng những việc làm cụ thể, với những con người cụ thể. Với quan điểm con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của cách mạng, chất của con người Hồ Chí Minh đọng lại ở vì dân và do dân. Để con người trở thành động lực, Người chú trọng thực hiện quyền con người, quyền công dân và giáo dục đạo đức cách mạng. Một dấu ấn ở Hồ Chí Minh là có lòng tin mãnh liệt và vô tận vào nhân dân, gắn với thương dân, quý dân. Hồ Chí Minh là hiện thân của chủ nghĩa nhân văn cao cả, chủ nghĩa nhân văn cộng sản, chủ nghĩa nhân văn hành động. “Hồ Chí Minh thuộc về giá trị vĩnh hằng của cả loài người, là điển hình về con người mới của thời đại mới”(20).

Thế giới có cái nhìn riêng về bậc đại nhân, đại trí, đại dũng Hồ Chí Minh. Tiến sĩ Átmét với nhận thức Hồ Chí Minh là một nhân vật vĩ đại, cho rằng “chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó”(21). Người ta nói đến Hồ Chí Minh là nói đến một nhân vật kỳ lạ của thời đại này, một nhân vật hiếm thấy, một nhân vật đặc biệt, chiến sĩ cách mạng lão thành, xuất sắc. Phiđen Caxtơrô coi “đồng chí Hồ Chí Minh thuộc lớp những người đặc biệt mà cái chết là mầm mống của sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt”(22). N. Khơrútxốp viết trong hồi ký rằng trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình đã biết rất nhiều người nhưng không có người nào gây được một ấn tượng đặc biệt như Hồ Chí Minh. Theo ông, “Hồ Chí Minh là một trong “các vị thánh” của chủ nghĩa cộng sản”(23).

Sắc thái chính kiến, diện mạo Hồ Chí Minh khiến thế giới có những nhận xét đặc biệt về Người. Vượt lên những tranh luận Hồ Chí Minh là một người yêu nước hơn là người cộng sản hay là ngược lại? Hoặc phân biệt rạch ròi chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa nhân văn; chia các hạng người theo chủ nghĩa cộng sản. Trong hội thảo quốc tế, có đại biểu Mỹ phát biểu: “Chủ nghĩa cộng sản như chủ nghĩa cộng sản Hồ Chí Minh thì cũng chấp nhận được”(24). Cho rằng đặt ra câu hỏi Hồ Chí Minh là người yêu nước hay người cộng sản là vô lý, Giáo sư sử học Pháp Sáclơ Phuốcniô khẳng định: “hiển nhiên, chúng ta thấy Người trở thành người cộng sản vì yêu nước và chỉ có thể tiếp tục là nhà yêu nước nếu là người cộng sản”(25).

4. Hồ Chí Minh luôn hướng tới tương lai

Bản tính Hồ Chí Minh là đổi mới và phát triển, hướng tới tương lai, chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Nghiên cứu di sản Hồ Chí Minh không phải là nghiên cứu kỷ niệm, ký ức của một quá khứ. Người là một con người kiệt xuất, kỳ diệu, “người chiếu sáng” cho tất cả một thời đại. Bởi vì Người là hiện thân của những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, giá trị của toàn nhân loại. Hồ Chí Minh có một linh cảm chính trị đặc biệt. Người nhìn thấy nguy cơ của Đảng cầm quyền gần một thế kỷ trước và lên tiếng cảnh tỉnh có quyền mà thiếu lương tâm là rất dễ hư hỏng. Tấm gương của Người xa lạ với mọi thứ chủ nghĩa cá nhân, hiện thân của mọi cái trong chủ nghĩa xã hội, đó là hình ảnh của con người tương lai, cổ vũ các thế hệ mai sau. Hồ Chí Minh là biểu tượng của một tư tưởng sống, sống động như thực tế cuộc đời 79 mùa xuân của Người, chứa đựng trong đó nhân cách văn hóa, giá trị tinh thần của một thời đại. Hồ Chí Minh được thế giới coi như một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng ở trái đất này. Đó là “Global Hồ Chí Minh” (Hồ Chí Minh toàn cầu)(26).

Thế giới ngày nay có những diễn biến to lớn và sâu sắc, nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Tư tưởng Hồ Chí Minh phản ánh xu thế đó, cũng là xu thế của lịch sử. Tầm vóc vĩ đại của Hồ Chí Minh không phải chỉ là người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức mà còn “luôn lo lắng phấn đấu cho một tương lai được xây dựng trên nền tảng của sự công bằng, bình đẳng, biết truyền thụ và chia sẻ sự đa dạng văn hóa và để các nền văn hóa xích lại gần nhau” như khẳng định của ông Hans D’Orville, Phó Tổng Giám đốc UNESCO.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trịsố 5-2020

(1) ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.32.

(2), (20) Võ Nguyên Giáp: Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi, Ban Khoa học xã hội Thành ủy TP Hồ Chí Minh, 1991, tr.133, 27.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.97.

(4), (12) Võ Nguyên Giáp (chủ biên): Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.60, 43.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.590.

(6), (15), (21), (25) Trung tâm khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia - Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.5-6, 208, 28, 145.

(7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.295, 469.

(9), (10), (11), (14), (23) Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại, Nxb Lao động - Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993, tr.15, 116, 90, 32, 101.

(13) Bảo tàng Hồ Chí Minh: Đặc san thông tin tư liệu, số 27, tháng 6-2010, tr.12.

(16), (19) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh tinh hoa và khí phách của dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.26, 203.

(17), (18) Trần Bạch Đằng: Đến với tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 2004, tr.93, 63.

(22) Đỗ Hoàng Linh - Phạm Hoàng Điệp (Biên soạn): Hồ Chí Minh trong ký ức bạn bè quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.12.

(24) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh quá trình hình thành và phát triển, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.9.

Xem thêm: Biện Pháp Khắc Phục Sống Ảo Là Gì? Nguyên Nhân Và Tác Hại Của Việc Sống Ảo

(26) Tên Hội thảo Quốc tế tổ chức ở New York (Mỹ) tháng 10-2019 nhân sự kiện 50 năm Di chúc của Hồ Chí Minh.