Khi tôi mang bầu đứa con thứ hai, tôi mang trong lòng chứa chan niềm hy vọng rằng con ra đời, trải nghiệm làm mẹ của tôi sẽ được trọn vẹn. Chưa bao giờ tôi quên cảm giác vui sướng khi em cất tiếng khóc chào đời.
Bạn đang xem: Chuyện gì đang xảy ra vậy
Em trông tuyệt vời lắm: tóc đen, mắt đen, ánh mắt linh hoạt, miệng luôn mỉm cười. Mấy người bạn thân của tôi vào thăm em, đều trêu đùa cu anh:
‘Cho bác em bé nhé, hay đổi em bé lấy kẹo không?’
Cu anh trả lời ngay tắc lự:
‘Không, không bao giờ’.
Cu anh lúc nào cũng líu lo như chim hót, chỉ mong em lớn lên để chơi đùa cùng nhau.
Ngày đón em về nhà, trời nổi cơn giông. Lâu lắm rồi mới có trận giông to như thế, chồng tôi còn đùa bảo:
‘Sau này con gái bố phải bướng lắm đây’.
Tôi đáp lại nửa đùa nửa thật:
‘Thì chắc cũng chỉ bướng như mẹ là cùng’.
Bốn tháng đầu, em ăn ngoan ngủ kỹ, má em bụ bẫm, mắt sáng long lanh. Cu ảnh thỉnh thoảng lại véo yêu vào đôi má phúng phính ấy. Mỗi ngày cu anh đi học mẫu giáo về, chạy ngay đến cạnh em để hít hà vào bàn chân tý hon xinh xắn của em. Những tháng ngày hạnh phúc cứ trôi đi như thế, cả nhà ai cũng chờ mong em lớn lên. Cu anh luôn nói:
‘Bao giờ em lớn, con sẽ dạy em chơi lê gô và vẽ tranh’.
Đến tháng thứ năm, em bị tiêu chảy phải nhập viện gấp. Em sốt 38, 39 độ, bác sỹ truyền nước, phải lấy ven. Bác sỹ nói, sao lấy ven cho em khó thế, mỗi lần lấy ven em lại khóc thét lên, tim tôi thắt quặn. Bảy ngày em nằm viện tôi tưởng dài như bảy tháng. Rồi em cũng được xuất viện. Kể từ đây, lo âu khắc khoải luôn hiện hữu trong tôi.
Sáu tháng tuổi, em vẫn chẳng biết lẫy, em mất dần sự linh hoạt. Tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng, thì chồng tôi lại an ủi:
Chắc do con bị ốm đợt vừa rồi nên chậm lại. Em yên tâm, con chúng mình nhất định sẽ khoẻ mạnh, bình thường.
Đến tháng thứ bảy, thì em bắt đầu tập lẫy cái lẫy đầu tiên, tôi mừng rơi nước mắt. Nhưng sao mãi em chẳng biết bò, và mắt em càng ngày càng tránh giao tiếp với mẹ. Sữa tôi cạn dần, tôi bắt đầu tập cho em ăn dặm, nhưng em đâu có chịu ăn, miệng em mím chặt, chỉ cất tiếng khóc ngằn ngặt.
Nỗi lo lắng cứ lớn dần lên, tôi quyết định đưa em đi khám ở viện nhi lúc em tròn một tuổi. Khi bác sĩ thông báo, con chậm phát triển, phải can thiệp vận động và ngôn ngữ thì may ra con mới biết đi, biết nói. Tai tôi ù đi như nghe tiếng sấm. Vậy là tất cả đã kết thúc rồi sao, tương lai của con, của mình, của gia đình, sẽ đi về đâu… Sau đó là chuỗi ngày dằn vặt bản thân, sao con mình lại có thể chậm phát triển được, khi mình nuôi con cẩn thận thế kia, mình còn đi dạy con người khác nữa kia mà. Khoảng gần một tháng sau ngày nhận tin của bác sỹ, tôi tránh giao tiếp với mọi người trong gia đình. Cứ chiều đến, khi bà đưa em đi hóng mát, tôi lại đóng chặt cửa phòng, đập phá, gào thét. Tôi tự đặt ra hàng trăm câu hỏi tại sao. rồi tuy tìm nguyên nhân và kết luận, mình là một người mẹ tồi tệ, bất lực. Đêm đến, khi các con chìm vào giấc ngủ, tôi lại đối diện với chính mình, giày vò bản thân, và những giọt nước mắt cứ thế rơi đẫm gối. Tôi khóc vì bất lực, vì thất vọng với bản thân mình. Rồi cũng đến một ngày, tôi không còn khóc được nữa, mắt tôi nhìn vào không gian trong vô vọng…Trong những ngày đó một suy nghĩ liên tục thôi thúc tôi, và tôi dự định sẽ từ bỏ công việc, để theo con, miễn là con biết đi và biết nói.
Buổi sáng, tôi vẫn đi dạy học bằng chiếc xe máy Wave Alpha màu đỏ mà chồng mua tặng khi chuẩn bị sinh em. Đến một ngày không hiểu tại sao, tôi ngã và đâm vào gốc cây bên đường, khi tỉnh dậy, thấy mình đang trong bệnh viện, có chồng và người bạn Mỹ Melanie. Melanie là người bạn tôi mới quen được gần hai năm, bà là giảng viên nghệ thuật của trường University of Florida, Mỹ, vào thời điểm đó bà theo chồng sang Việt Nam làm chyên gia trong lĩnh vực sân golf. Tôi được bạn giới thiệu đến dạy bà tiếng Việt. Tôi và Melanie trở nên thân thiết rất nhanh vì chúng tôi có chung nhiều sở thích. Tôi và bà tâm sự với nhau rất nhiều. Dường như bà coi tôi là con của bà vậy. Khi tôi xuất viện, Melanie đến thăm với một bó hoa ly trắng trên tay, và một tấm thiệp chúc mừng tôi tai qua nạn khỏi. Trong tấm thiệp bà viết:
“Thật may mắn là con vẫn còn sống! Phương, con nên nhớ rằng, con luôn là người mẹ tuyệt vời. Hãy mạnh mẽ lên để vượt qua những thách thức mà cuộc sống mang lại cho con. Linh cần con cả tinh thần và vật chất. Nếu con không đủ khoẻ, sau này lấy ai lo cho Linh? Con không chỉ có mình Linh, mà con là mẹ của hai thiên thần bé nhỏ, mong con luôn nhớ như vậy. Ta yêu con và luôn tin tưởng con sẽ vượt qua được khó khăn này”
Yours: Melanie
Đọc tấm thiệp của Melaie mà tôi bừng tỉnh, phải rồi, tôi có hai con cơ mà. Tôi phải khoẻ, tôi phải mạnh mẽ, vì tôi còn có hai thiên thần bé nhỏ phụ thuộc cả vào tôi về vật chất và tinh thần. Vị bác sỹ chẩn đoán cho Linh cũng đã nói, can thiệp vận động và ngôn ngữ là một quá trình lâu dài, không có hạn định về thời gian, điều quan trọng cần có của một người mẹ là sự quyết tâm, kiên trì, yêu thương và rồi rào về tài chính.
Vậy mà, tôi đã yếu đuối bạc nhược thế này sao?
Đến giờ, tôi cũng không nhớ nổi làm thế nào để tôi vượt qua được quãng thời gian đó. Ngay sáng hôm sau, tôi sang nhà hàng xóm xin gọi nhờ một cú điện thoại cho chồng vừa đi công tác ở Quảng Ninh, yêu cầu anh về ngay để bàn việc gia đình. Sau đó vài ngày, chúng tôi làm thủ tục nhập viện cho Linh để con trị liệu lâu dài.
Xem thêm:
Trải qua nhiều tháng liên tục đưa con đi trị liệu đợt đầu tiên, mỗi ngày cả đi và về như con thoi mấy chục cây số, trong lòng tôi lúc nào cũng thầm nhủ, mình sẽ không bỏ cuộc, mình sẽ quyết định theo đuổi cả công việc, và chữa trị cho con. Lúc đó tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, không có công việc, thì lấy đâu ra tài chính lo cho con, để xây dựng ước mơ đồng hành cùng con mỗi ngày.

Thời gian đó Linh gầy lắm, thì em có chịu ăn đâu mà chả gầy, nhưng em đi trị liệu rất ngoan, chỉ khóc lên mỗi lần đau đớn khi bác sỹ áp dụng động tác mới. Nhưng bác sỹ cũng nhẹ nhàng lắm, liên tục cổ vũ động viên như:
Nào Linh cố lên, Linh co chân lên, Linh nằm úp xuống, sắp xong rồi, Linh giỏi quá!
Mỗi lần tập xong, Linh như chú mèo con, nép vào lòng mẹ nghỉ ngơi. Hai mẹ con thường ngồi ở chiếc ghế đá của viện Nhi Hà Nội. Lúc đó, mẹ ước ao, mẹ có thể đánh đổi tất cả để Linh có thể đi được, có thể chạy đến bên mẹ cất tiếng … mẹ ơi. Không phụ lòng mẹ, 4 năm kiên trì trị liệu liên tục đã mang đến trái ngọt. Tôi đã rơi những giọt nước mắt hạnh phúc khi con bước đi những bước đầu tiên và khi nghe con nói, mẹ ơi, con yêu mẹ…